Sách hay nên đọc, sách viết về phụ nữ Ả Rập.
Là con gái thì phải bước đi nhanh, đầu lúc nào cũng phải cúi xuống đất như thể đang đếm bước.
Mắt không được nhìn lên, không được liếc sang phải hay sang trái trên đường đi. Vì nếu lỡ để ánh mắt của mình bắt gặp ánh mắt của một người đàn ông thì sẽ bị cả làng gọi là “charmuta” (đồ lăng loàn, con đĩ).
Nếu để chị hàng xóm đã có chồng, một cụ già hay bất kỳ một người nào khác bắt gặp một cô gái đi một mình trong hẻm, không có mẹ hay chị đi kèm, không dắt cừu, không đội bó rơm hay sọt đựng hoa quả vải thì cũng bị gọi là “charmuta”.
Con gái phải có chồng mới được nhìn thẳng về phía trước, mới được phép bước vào hàng quán, mới được phép tự nhổ lông và đeo nữ trang.
…………….
Hồi ký về cuộc đời đầy bi thương
Chắc hẳn đọc những dòng chữ trên, bạn có thể sẽ tưởng tượng đến một nhân vật trong một bộ phim hay trong một câu chuyện hư cấu nào đó. Nhưng Không!, nó không hề là một câu chuyện hư cấu mà hoàn toàn có thật.
Đây là câu chuyện xảy ra đúng như tên tiêu đề của bài viết “BỊ THIÊU SỐNG” – thiêu sống theo đúng nghĩa đen về thể xác, thiêu dụi đi tâm hồn của một người con gái.
“BỊ THIÊU SỐNG” là cuốn hồi ký kể về cuộc đời của Souad – 1 cô gái được sinh ra tại vùng Cisjordanie (khu vực luôn xảy ra bạo động tranh chấp giữa lực lượng Palestine và nhà nước Do Thái Israel).
Cuốn hồi ký được chia làm 19 chương.
Trong đó 12 chương đầu kể về cuộc đời đầy đau thương và nước mắt. Lao động cực nhọc, “thân phận không bằng cả 1 con dê”, luôn sống trong sự đánh đập, sự tàn bạo, những hủ tục định kiến, số phận của Souad là hiện thân của tất cả thân phận phụ nữ Ả Rập. Đó là những con người sinh ra mà không được hưởng một chút quyền con người bởi một lý do duy nhất: sinh ra là phụ nữ.
Thân phận của người phụ nữ Ả Rập
“Thưa ông, phụ nữ ở đó không có cuộc sống. Nhiều cô gái bị đánh đập, bị ngược đãi, bị siết cổ cho đến chết, bị thiêu sống hay bị giết chết. Đối với chúng tôi, đó là việc hết sức bình thường. Mẹ tôi đã đình đầu độc tôi để “hoàn tất” công việc của anh rể tôi và đối với bà như thế là bình thường, nó đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của bà. Đó là chuyện bình thường đối với chúng tôi, những người phụ nữ. Bạn bị đánh đập tàn nhẫn, đó là chuyện bình thường. Bạn bị thiêu sống, đó là chuyện bình thường, bạn bị ngược đãi, đó là chuyện bình thường. Những con bò cái hay con cừu cái như cha tôi nói, còn được coi trọng hơn phụ nữ. Nếu không muốn chết thì phải im lăng, phục tùng, cúi mình chịu nhục, phải còn trinh khi về nhà chồng, và phải sinh được con trai.”
Bắt đầu từ chương thứ 13 trở đi là cuộc đời mới của Souad. Không còn phải là một con người bước đi thật nhanh như dạo còn ở trong làng mà có thể sống như một con người khác, thẳng người và tự hào tự do ở châu Âu. Tuy nhiên những ký ức về một thời đau đớn, tàn bạo, khoảnh khắc bị chính người anh rể được cha của mình chỉ định tưới xăng lên khắp cơ thể để thiêu sống mình bởi lý do “làm ô uế thanh danh của gia đình khi quan hệ và có thai với người đàn ông khác trước khi kết hôn” luôn dằn vặt và dầy vò tâm trí cô.
“Anh ta tiến lại gần tôi. Hussein, anh rể tôi, mặc đồ bảo hộ lao động, một chiếc quần âu cũ với áo cộc tay. Anh ta đến trước mặt tôi và mỉm cười: “Chào, khỏe chứ?”. Anh ta nhai một cọng cỏ trong mồm và vẫn mỉm cười: “Tôi sẽ lo cho cô”.
Nụ cười đó… Anh ta nói sẽ lo cho tôi, một điều mà tôi không trông đợi. Tôi cũng mỉm cười để cảm ơn anh ta nhưng không dám nói gì.
“Bụng cô xem chừng đã khá to rồi đấy?”
Tôi cúi đầu, xấu hổ không dám nhìn anh ta. Tôi cúi thấp hơn nữa, trán chạm vào đầu gối.
“Cả cái vết kia trên mặt nữa….. Cô cố ý bôi nước lá móng phải không?
– Không, em chỉ bôi trên tóc, em không cố ý…..
– Cố ý hẳn đi rồi, để che cái vết….”
Tôi nhìn đống quần áo mà tôi đang vò trên đôi tay run bắn.
Đó là hình ảnh bất động và rõ ràng cuối cùng. Đống quần áo tôi đang vò dở và đôi tay run lẩy bẩy của tôi. Những tiếng cuối cùng của anh ta mà tôi nghe được là: “Cố ý hẳn đi rồi, để che cái vết.”
Rồi anh ta không nói gì nữa, tôi vẫn cúi đầu vì xấu hổ, cảm thấy bớt sợ vì không nghe thấy anh ta nói thêm câu nào khác.
Bất thình lình, tôi cảm thấy có cái gì đó lạnh ngắt đang chảy trên đầu tôi. Và ngay sau đó, người tôi bốc cháy. Tôi hiểu ngọn lửa do đâu và thước phim quay nhanh hơn, các hình ảnh cũng hiện ra rất nhanh. Tôi bắt đầu chạy chân đất khắp vườn, tôi đập hai tay lên tóc, gào thét thật to và cảm thấy chiếc áo của mình đang bay phấp phới phía sau lưng. Không biết lửa có bén sang áo của tôi không?
Tôi ngửi thấy mùi xăng và tôi chạy. Bị đuôi áo làm vướng chân nên tôi không chạy được những bước dài. Tôi chỉ còn biết nghe theo bản năng, nghe theo sự thúc giục của nỗi kinh hoàng, chạy xa cái sân. Tôi chạy về phía vườn vì không còn lối thoát nào khác. Nhưng sau đó tôi gần như không còn nhớ gì nữa. Tôi chỉ biết là tôi đã chạy với ngọn lửa trên người và kêu thét thật to. Tôi đã làm thế nào để chạy thoát? Anh ta có đuổi theo tôi không? Hay anh ta đứng đợi lúc tôi ngã xuống để xem tôi bị thiêu trong ngọn lửa.”
Chương 16: Nhân chứng sống
Souad đứng ra làm nhân chứng nhân danh tổ chức Surgir – một tổ chức nhân đạo Surgir (Thụy Sĩ) đã cứu cô thoát khỏi thân phận phụ nữ Ả Rập bị thiêu sống năm ấy. Cô cất lên tiếng nói vì nhân quyền, vì những người phụ nữ khốn khó như cô, tất cả để vạch trần tội ác ghê tởm với phụ nữ, của cái gọi là hủ tục.
“Mấy năm về trước, tôi có dịp gặp các cô gái đến từ những đất những xa xôi, giống như tôi. Người ta phải giấu họ. Có một cô gái trẻ mất cả hai chân: cô ấy bị hai gã hàng xóm trói lại rồi ném ra giữa đường ray. Một cô gái khác bị cha và anh ruột đâm bằng dao và ném vào thùng rác. Một cô gái khác bị me và hai anh xô từ cửa sổ xuống đất: cô ta bị liệt suốt đời.
Và nhiều cô gái khác nữa mà người ta không nói đến, vì được phát hiện quá muộn nên đã chết. Có những cô gái đã trốn thoát nhưng bị bắt ở nước ngoài và phải chết.
Cũng có những cô gái kịp thời chạy thoát và đang trốn với con của mình hoặc sống một mình. Họ là những cô gái còn trinh hoặc đã trở thành những người mẹ.”
Hai chương cuối cùng như thể cho một kết thúc tròn trịa, một kết thúc có phần viên mãn với người phụ nữ từng bị thiêu sống, đã phải trải qua bao cơn ác mộng. Cô nhận lại con trai sau bao tháng ngày dằn vặt, tự trách bản thân vì đã không làm tròn bổn phận và trách nhiệm của một người mẹ. Souad cũng có một cuộc sống mới bên cạnh người đàn ông mà cô yêu và anh ất cũng dành trọn tình yêu cho cô cùng với hai cô con gái xinh đẹp.
Link đọc sách online: http://isach.info/story.php?story=bi_thieu_song__souad&chapter=000
Bài học cuộc sống
Phụ nữ cũng là con người, là một phần của thế giới, họ có quyền được sống, học tập và làm việc như bất cứ người đàn ông nào, họ xứng đáng được nâng niu và hưởng những thứ mà chính đôi tay họ làm ra.
“Cuộc sống là do chính mình quyết định, không ai có quyền ngăn cấm hay bắt buộc mình phải làm theo họ. Hãy mạnh mẽ và vượt qua những khó khăn. Bạn sẽ làm được! Không gì là không thể !
Để lại một bình luận